Đầu năm 2022, bất động sản một số khu vực tại TP.HCM như TP.Thủ Đức, huyện Cần Giờ… tăng giá đột biến. Tuy nhiên, thị trường được nhận định khó có bong bóng xảy ra.
Giá bất động sản “nóng” theo hạ tầng
Ghi nhận thực tế, giáp Tết, nhiều người đổ xô đi săn nhà đất giá rẻ khiến thị trường bất động sản TP.HCM và vùng ven “nóng lên”. Nhiều khu vực tại TP.HCM như TP.Thủ Đức, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ… giá đất nền tăng chóng mặt.
Theo Hội môi giới Bất động sản Việt Nam, trong năm 2021 trên cả nước có 282.105 giao dịch bất động sản thành công. Riêng tại TP.HCM, có khoảng 14.443 giao dịch thành công.
Thời gian qua giá bất động sản tăng đột biến xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Nhưng điều dễ nhận thấy nhất là cơ sở hạ tầng được đầu tư mạnh khiến giá bất động sản tăng theo. Đặc biệt, các khu vực có thông tin lập đề án lên quận như Nhà Bè, Cần Giờ thì bất động sản càng “nóng”.
Ông Nguyễn Văn Đính – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho rằng trong thực tế, mức giá bất động sản thậm chí đang tăng rất nhiều lần so với hạ tầng. Điều này khiến các khu vực vùng ven trở nên “nóng sốt”.
“Những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ hạn chế tham gia đầu tư ở các vùng quá nóng. Bởi họ biết, giá đang ảo, bỏ tiền vào là không thật, có thể lỗ ngay thời điểm mua. Vì thế, những khu vực giá bất động sản nóng bất thường, những nhà đầu tư chuyên nghiệp sẽ rút nhanh, chỉ còn lại cò mồi, đầu nậu lôi kéo những nhà đầu tư không chuyên”, ông Đính nhấn mạnh.
Khó có nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản
Mới đây, Bộ Xây dựng đã công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trong quý 4/2021. Trong đó, Bộ đã có những phân tích và đề ra giải pháp ngăn chặn tình trạng sốt đất ảo, bất thường và hoạt động đấu giá đất.
Cụ thể, Bộ Xây dựng nhận định hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ xảy ra “bong bóng” bất động sản là khó xảy ra.
Bộ đã có nhiều văn bản chỉ đạo và đẩy mạnh thi công các dự án đầu tư công trên cả nước để ngăn chặn tác động tiêu cực, đảm bảo thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.
Theo Bộ Xây dựng, hiện tượng tăng giá đất nền nóng cục bộ cũng nhanh chóng hạ nhiệt sau khi Chính phủ có các văn bản chỉ đạo. Chính quyền địa phương đã kịp thời đưa ra các thông báo cảnh báo cũng như công khai các thông tin về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đất trên địa bàn…
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có văn bản số 5370/BXD-QLN ngày 24-12-2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương yêu cầu tổng hợp báo cáo tình hình đấu giá đất, đánh giá tình hình, nguy cơ xảy ra bong bóng bất động sản,… đồng thời khẩn trương thực hiện các giải pháp để ổn định thị trường.
Bộ Xây dựng cho hay đến nay theo báo cáo của các địa phương thì hiện tượng tăng giá đất nền đã hạ nhiệt, nguy cơ “bong bóng” bất động sản khó xảy ra. Tuy nhiên đây vẫn có thể là sự khởi phát của hiện tượng “sốt giá” trong năm 2022.
Đặc biệt khi Nhà nước sử dụng các giải pháp kích cầu, hỗ trợ phục hồi kinh tế sau giai đoạn giảm phát cũng có thể tác động làm thị trường bất động sản phát triển nóng nếu không được kiểm soát tốt (kinh nghiệm cho thấy từ gói kích thích kinh tế năm 2008 – 2009).
Ông Ngô Đức Sơn – Tổng giám đốc Công ty cổ phần DRH Holding, cho biết để bình ổn thị trường, ngăn nguy cơ xảy ra “bong bóng”, cần tháo gỡ nút thắt về nguồn cung. Cả nước có rất nhiều dự án đang phải “đắp chiếu”, chờ cơ quan quản lý phê duyệt. Ông Sơn cho rằng nguồn cung được bổ sung sẽ không còn tình trạng khan hiếm sản phẩm, giá bất động sản hợp lý, phản ảnh đúng thực tế cung cầu.